Nguồn gốc tên gọi: Núi Hàm Rồng (Gia Lai)

Theo TS Nguyễn Thị Kim Vân[3] địa danh Hàm Rồng có thể được ghi là Hdrung, Hgrông hoặc Hdrông (theo khảo sát thực địa của tác giả thì đây đều là những từ “không có nghĩa”). Và theo quan điểm của TS. Vân thì hình dáng ngọn núi nhìn từ phía Tây Nam giống con rồng nên "Hàm Rồng" là biến âm từ cách gọi ngọn núi này của người Jrai, Bahnar.

Tổng hợp của Nguyễn Quang Tuệ[4] đã dẫn ra một số sách, tài liệu đã xuất bản viết liên quan đến tên gọi của ngọn núi này:

- Sách Gia Lai 30 năm chiến tranh giải phóng do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai biên soạn, xuất bản năm 1993, tại trang 8 ghi: ”điểm cao Chử HơDrung (1028m)” và chí thích địa danh này “còn thường được gọi núi Hàm Rồng hay Hòn Rồng”.

- Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai tập 1 (1945 - 1975) do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo biên soạn,, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1996, tại trang 22 có đoạn: ”… như ngọn núi Chư Hdrông (Hàm Rồng) cao 1.028m”.

- Sách Địa chí Gia Lai do UBND tỉnh Gia Lai biên soạn, Nhà xuất bản VHDT, 1999, tại trang 28, gọi địa danh này là Hàm Rồng.

- Sách Xã gào – Bàu Cạn - Mảnh đất anh hùng do Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku tổ chức biên soạn năm 2000, ở các trang 3 (lời giới thiệu) và 5 (giới thiệu vị trí địa lí) đều gọi địa danh này là núi Hòn Rồng.

- Sách Ký ức Tây Nguyên của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2002, tại trang 8 có đoạn: “sư đoàn Kỵ binh không vận 1 ở An Khê, sư đoàn bộ binh 4 ở Hòn Rồng thuộc tỉnh Gia Lai”.

- Sách Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai (1930 - 2005), do UBMTTQ tỉnh Gia Lai chỉ đạo biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2006, tại trang 16 có đoạn: “Cao nguyên Pleiku có hình vòm, đỉnh ở Chư Hdrung (núi Hàm Rồng) cao 1.028m”.

- Các tài liệu tiếng Anh, trước 1975, thường ghi địa danh Hàm Rồng là Dragon Mountain hoặc Dragon Jaw Mountain…

Cũng theo phân tích của Nguyễn Quang Tuệ[4]: "Hàm Rồng là một tên gọi mới xuất hiện gần đây, chưa để lại dấu ấn nào đáng kể trong văn hóa Gia Lai truyền thống", chỉ có "Hơdrông" là từ đồng nghĩa với Jrai – tức người Jrai, đất Jrai - tên địa danh. Hơdrông xưa được ước đoán là trung tâm của khu vực Pleiku và vùng phụ cận hiện nay – một vùng đất của người Jrai. Và nguồn gốc tên địa danh này lại bắt nguồn từ câu chuyện của người Bahna về những con sâu - Hơdrông, phá hoại mùa màng bị tiêu diệt chất thành núi Hơdrông.